Ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh được gọi là Tết Thanh minh. Đây là một ngày lễ Tết thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. _
Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Ngày tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn.
Tết Thanh Minh 2024 là ngày nào?
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, Tiết Thanh Minh là 1 trong 24 tiết khí của một năm, là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày. Tiết Thanh Minh sẽ kéo dài trong khoảng 15-16 ngày. Tết Thanh Minh chính là ngày đầu tiên của tiết khí này.
Thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Thanh Minh tức là chỉ thời điểm khí trời mát mẻ, quang đãng. Ở miền Bắc Việt Nam, đây là thời điểm trời đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu.
Tiết Thanh Minh thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch sau khi tiết Xuân phân kết thúc. Tiết Thanh Minh kết thúc vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch.
Tiết Thanh Minh năm 2024 bắt đầu vào ngày 4/4 dương lịch (tức 26/2 âm lịch). Do đó, Tết Thanh Minh năm 2024 rơi vào thứ Năm ngày 4/4 dương lịch.
Ý nghĩa của ngày Tết Thanh minh
Tết Thanh minh là dịp để mọi người báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên.
Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một phong tục phổ biến của người Việt khắp mọi miền đất nước. Vào ngày Tết Thanh minh, các gia đình thường thăm viếng mộ, cắt tỉa cỏ dại trên mộ người thân.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, phong tục tảo mộ xuất phát từ việc vào tiết Thanh minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm kín lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, như một truyền thống của dòng tộc để con cháu thực hiện, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết…
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong "đạo thờ ông bà" của dân tộc ta. Nhiều gia đình cho rằng, Thanh minh tảo mộ cũng là dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong giai đoạn đầu năm với lòng tin sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày sau đó.
Ngày Tết Thanh minh cũng là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thưởng thức những bữa cơm đoàn viên.
Sau khi tảo mộ, con cháu còn thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Vào dịp Thanh minh, những người đi viếng mộ thường cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Ngoài Tết thanh minh, vào những ngày đầu năm tháng 3 còn có Hội Đạp Thanh hay còn gọi là hội giẫm cỏ. Đây là lễ hội cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc trong dịp này, nam nữ sắm sửa cho mình quần áo đẹp để cùng đi chơi xuân. Hiện nay ở Việt Nam không còn lưu truyền lễ hội này nữa nhưng vẫn chúng ta vẫn có thể biết được lễ hội này qua đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. Gần xa nô nức yến anh. Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân..."
Lưu ý khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh năm 2024
Mộ phần tổ tiên là một trong những nơi đặc biệt linh thiêng. Vì vậy, theo quan niệm dân gian, người dân thường có những lưu ý sau khi đi tảo mộ:
- Tuyệt đối không được ăn thực phẩm cúng trước khi đem đi cúng.
- Không được giẫm đạp lên đồ cúng.
- Rửa sạch đồ cúng và để khô ráo trước khi đem cúng.
- Không nên chụp ảnh, đặc biệt là chụp ở gần bia mộ.
- Không nên bàn tán về tên hoặc nhân dạng của người trong di ảnh.
- Không nên để trẻ con phá phách ở gần hoặc ngay bia mộ.
- Dọn dẹp bằng khăn sạch, chổi sạch, đặc biệt chỉ được dùng khăn sạch để lau di ảnh.
- Không nói chuyện lớn tiếng trong quá trình tảo mộ.