Để phòng ngừa dịch cúm gia cầm, trong quá trình lựa chọn gia cầm mỗi người dân cần lưu ý:
Đối với gà, vịt mổ sẵn:
Thịt gà, vịt trên thị trường hiện nay khó có thể phân biệt đâu là an toàn tuyệt đối.
Khi chọn gà, vịt mổ sẵn nên lựa chọn theo tiêu chí sau: Gà, vịt có màu sắc tự nhiên, da không có vết bầm, thớ thịt tươi, độ đàn hồi cao, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, có màu hồng, không có mảng bầm, tím, tụ máu. Ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính.
Ngoài ra, cần phân biệt gà, vịt bị nhuộm màu, bị bơm nước. Bởi gà, vịt bị nhuộm màu hay bơm nước rất có thể là gà, vịt không được khỏe, dễ mắc bệnh.
Đối với lựa chọn gà, vịt còn sống
Chọn kỹ lưỡng những con gà, vịt đang sống khỏe mạnh và yêu cầu người bán hàng giết mổ, sát muối và rửa sạch sẽ rồi mới mang về nhà.. Nếu mang về vẫn phải thái chặt thì sau khi làm xong cần phải rửa sạch dao thớt bằng nước rửa bát và dội lại nước sôi.
.Nếu gà, vịt có màu biến sắc thành thâm đen, mào tái hoặc tím bầm, ủ rũ, hai cánh rủ xuôi, lông xù, lông quanh hậu môn có dính phân màu lục, diều tích thức ăn cứng lại, mắt lờ đờ, mỏ chảy nước dãi, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới. Da những con gà, vịt này thường nhăn nheo, thân gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác; chân lạnh, khô; hậu môn trắng bệt hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh là gà, vịt có bệnh.
Người dân cần tuân thủ những quy định sau trong quá trình sơ chế, chế biến, nấu nướng những món ăn liên quan đến thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm?
- Tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh:
Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.
- Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm:
Nếu phải giết mổ gia cầm thì cần tuân theo quy tắc an toàn như: đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.
- Giữ vệ sinh:
Giữ vệ sinh là khâu vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, trong đó quan trọng nhất là rửa tay. Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm... Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.
Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, nhất là thịt và trứng gia cầm, vì nếu không các vi khuẩn sẽ không chết đi và vẫn có khả năng gây bệnh.
- Để phòng chống dịch bệnh mỗi người dân chúng ta cần phải tuân thủ các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân ,gia đình và toàn xã hội./.
Ngày 08 tháng 4 năm 2024
Trạm y tế xã
Nguyễn Thị Vân