Bài tuyên truyền Hướng dẫn xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường sau bão lụt, thiên tai
Ngày 12/09/2024

 

 

          Trong lũ lụt, nước ngập tràn, cuốn trôi và trộn lẫn tất cả mọi thứ có trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, côn trùng, cây cối,… làm nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, ngay khi nước rút, cần có các biện pháp xử lý nước và môi trường ngay để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe.

          1- Xử lý môi trường.

          - Khi nước rút đến đâu thì huy động cộng đồng và các gia đình làm vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường đến đấy, đẩy hết bùn đất, rác đọng ra khỏi gia đình, đường phố.

          - Thu gom bùn đất, rác thải để xử lý tập trung.

          - Khi nước rút hết, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khai thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn xác súc vật chết và tẩy uế.

          2- Xử lý xác súc vật chết.

          - Ước lượng số lượng xác súc vật chết cần xử lý.

          - Vị trí chôn lấp xác súc vật: tốt nhất ở ngoài đồng, cách xa các nguồn nước bề mặt ít nhất 50m.

          - Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m. Chuyển toàn bộ xác súc vật vào hố và hớt một lớp đất khoảng 10cm chỗ xác súc vật chết và đổ vào hố.

          - Đổ 2-3 kg vôi bột lên trên hoặc phun dung dịch cloramin B nồng độ cao rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn súc vật để tránh bị đào bới.

          - Khử trùng nơi có xác súc vật: sau khi chuyển xác súc vật đi có vôi bột hay hóa chất khử trùng thì có thể tập trung rác vào chỗ đó và đốt.

          - Hàng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

          - Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ để làm chỗ trú ẩn cho muỗi.

          - Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu (nếu không hỏng nặng). Nếu nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng nước (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, tránh ruồi và côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu.

          3- Xử lý nước ăn uống sau bão lụt.

          a. Giếng khơi:

          Dù trước khi bão lụt xảy ra, chúng ta đã dùng nylon và nắp bịt miệng giếng, tuy nhiên nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nylon chỉ ngăn rác, cặn vào giếng chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Quy trình xử lý nước được tiến hành theo 3 bước:

          Bước 1. Thau rửa giếng nước:

          - Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng.

          - Thảo bỏ nắp và nylon bịt giếng.

          - Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng. Dùng nước giếng dội lên thành giếng cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành và nền giếng.

          - Nếu giếng ngập lụt, nước đục, phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn.

          - Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trong trường hợp không thể thau vét được thì chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung.

          - Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc vài chục lít nước lên bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp mới tiến hành thau rửa.

          - Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước, làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20 – 30lít. Đục một lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 – 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử trùng.

          - Nếu nước lụt không tràn vào giếng và nước trong: nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa như trên. Nếu không, có thể tiến hành tiệt trùng ngay nước trong giếng để dùng tạm thời trong khoảng một tuần rồi tiến hành thau rửa giếng.

          Bước 2. Làm trong nước giếng:

          - Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa 100g/1m­3 nước.

          - Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều lên thành giếng, thả gàu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để yên 30 phút – 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.

          Bước 3. Khử khuẩn giếng nước:

          - Về nguyên tắc nước giếng sau khi khử khuẩn phải có nồng độ clo dư là 0,5 - 1mg/L.

          - Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3, cứ 1m3 hoà tan 10- 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước). Có thể dùng một số hóa chất khác như clorua vôi (13g/m3), canxi hypoclorit 70% (4g/m3).

          - Múc một gàu nước. Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất. Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Clo mới đảm bảo.

          - Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít)).

          Lưu ý: 

          - Nếu lỡ cho quá nhiều Chloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Clo mới sử dụng.

          - Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn. Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

          - Trong trường hợp không có hóa chất khử khuẩn, chỉ ăn và uống nước đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử khuẩn.

          b. Giếng khoan:

          Tháo dây cao su và  nilon bịt miệng giếng khoan. Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan. Khơi thông cống rãnh quanh giếng. Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.


Tổng lượt xem bài viết là: 19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đánh giá:




Tin tức khác